Hướng đi nào cho M&A ngành nhựa?
11/03/2016
GIÁ KINH DOANH PP, PE TĂNG TẠI AI CẬP
12/03/2016

Ngành nhựa hội nhập: Cơ hội trong thách thức

Hội nhập là xu hướng tất yếu và được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội, đồng thời tạo động lực để năng động hóa, bền vững hóa và cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi hưởng những “trái ngọt”, có rất nhiều “thách thức” mà các doanh nghiệp phải vượt qua.

Nhua hoinhap

Việc tham gia các hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những ưu đãi thuế quan để thâm nhập và mở rộng thị trường, cơ hội đổi mới và nâng cấp công nghệ, tăng quy mô sản xuất từ làn sóng đầu tư và liên doanh với nước ngoài… Tuy nhiên, trong mỗi cơ hội đó đều tồn tại các thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải vượt qua, như một điều kiện để biến cơ hội thành hiện thực…

Nguyên tắc xuất xứ: Thách thức” đầu tiên để hưởng các ưu đãi thuế quan

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, năm 2014, tổng nguyên liệu nhựa nhập khẩu là 3,45 triệu tấn với trị giá 6,32 tỷ USD. Năm 2015, từ đầu năm đến trung tuần tháng 10/2015, Việt Nam xuất khẩu 282 nghìn tấn chất dẻo nguyên liệu, trị giá 329,4 triệu USD và 1,61 tỷ USD sản phẩm từ chất dẻo, chiếm gần 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Ở chiều nhập khẩu, tính chung từ đầu năm đến nay nhập 2,96 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu, trị giá 4,6 tỷ USD, chiếm 3,53% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong cùng giai đoạn. Nhập khẩu sản phẩm từ chất dẻo đạt 2,94 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Như vậy, từ đầu năm đến nay, nước ta đã nhập siêu 4,2 tỷ USD chất dẻo nguyên liệu và 1,33 tỷ USD sản phẩm từ chất dẻo. Điều này cho thấy tình trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của ngành chất dẻo và đồ nhựa của Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Doanh nghiệp nhựa Việt Nam chỉ mới nhận được lợi thế lớn nhất từ Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc và Hiệp định Thương mại Việt Nam – Nhật Bản. Bởi với các hiệp định thương mại này không xét đến yếu tố nguyên liệu nhập khẩu, khi xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhận Bản sẽ được nhận mức thuế ưu đãi 5% – 0%. Trong khi với các hiệp định khác, hàng xuất khẩu muốn được hưởng ưu đãi thuế thì phải đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất.

Trong khi đó, ngành nhựa ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã bước sang trình độ sản xuất mới. Ví dụ, ngành nhựa của Malaysia – nhà cung cấp hàng đầu màng kéo nhựa polyetylen của khu vực châu Á – Thái Bình Dương… Malaysia cũng là một nước thành viên của các FTA đa phương mà Việt Nam tham gia, cùng được hưởng lợi từ dỡ bỏ hàng rào thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên. Nếu Malaysia đáp ứng tốt hơn Việt Nam các tiêu chuẩn về nguyên tắc xuất xứ, hàng nhựa của họ thậm chí sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn nữa so với hiện nay trước hàng nhựa Việt Nam.

Hàng rào kỹ thuật: Càng dỡ bỏ thuế càng thêm thắt chặt

Theo nhận định của các chuyên gia, một khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, hàng rào kỹ thuật sẽ càng được củng cố hơn tại hầu hết các nước nhập khẩu.

Điểm yếu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam là công nghệ sản xuất lạc hậu. Do sản phẩm của Việt Nam đứng ở phân khúc thấp nên các doanh nghiệp ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ hiện đại. Điều này gây khó khăn lớn cho các sản phẩm nhựa của Việt Nam để vượt qua những hàng rào kỹ thuật. Đặc biệt, khi hàng rào thuế quan bị xóa bỏ, các nước sẽ có xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lệ để ngăn chặn nhập khẩu ồ ạt hàng hóa từ nước khác. Cuộc cạnh tranh của hàng nhựa Việt Nam với hàng nhựa các nước khác sẽ gặp áp lực lớn từ các tiêu chuẩn về kỹ thuật và vệ sinh, an toàn sản phẩm.

Ví dụ, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ thuận lợi hơn khi hiệp định TPP được thực hiện nhưng có một thực tế là hai thị trường này rất khó tính, đòi hỏi sản phẩm nhựa kỹ thuật cao nên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng nếu không có sự đầu tư đổi mới về công nghệ.

Đối với thị trường Mỹ, châu Âu, sản phẩm nhập khẩu khá giản đơn như bao bì, màng bọc thực phẩm, tấm bạt nên dễ đáp ứng hơn về mặt công nghệ. Hàng hóa của Việt Nam nhìn chung có lợi thế cạnh tranh nổi trội về giá so với hàng sản xuất trong nước của họ bởi chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, biện pháp rào cản kỹ thuật mà Mỹ và châu Âu thường áp dụng rất cao. Ngoài ra những mặt hàng có giá bán thấp này còn phải đối mặt với rủi ro lớn về kiện chống bán phá giá mà các hiệp hội ngành hàng của Mỹ và châu Âu đều rất có kinh nghiệm trong vấn đề này.

Đầu tư nước ngoài: Thách thức trong cơ hội

Hội nhập mang đến một làn sóng đầu tư lớn vào ngành nhựa, đây có thể là cơ hội để giải quyết công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ… Nhưng nếu là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì đây lại là một sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp nhựa trong nước. Đơn cử như trường hợp Tập đoàn SCG của Thái Lan đã đầu tư hơn 30 tỷ USD để đầu tư xây dựng hai nhà máy hóa dầu, chuyên sản xuất nguyên liệu hạt nhựa tại Việt Nam. Đây cũng là hai dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu nhựa lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Điều này đã khiến cho doanh nghiệp nội thay vì hưởng lợi từ hiệp định sẽ vấp phải sức cạnh tranh khốc liệt ngay thị trường nội địa. Thách thức rất lớn này buộc các doanh nghiệp trong nước phải liên kết với nhau, qua nhiều hình thức khác nhau để nhanh chóng đầu tư, nâng cấp năng lực cạnh tranh trên quy mô lớn của ngành.

Các tiêu chuẩn môi trường: “Khó đầu dễ sau”

Xu hướng các thị trường nhập khẩu đặt ra các quy định về môi trường ngày càng phổ biến hơn. Các cam kết về môi trường cũng trở thành xu hướng trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán và kí kết.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành nhựa, nhất là khi các doanh nghiệp chưa có thói quen thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, trước mắt và trong dài hạn. Tuy nhiên, “khó đầu, dễ sau”, một khi quy trình sản xuất đã được thiết lập theo hướng bảo vệ môi trường, ngành nhựa sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn và đáp ứng tốt hơn các quy định về kỹ thuật.

Trong thực tiễn của ngành nhựa, để khắc phục được vấn đề về môi trường, cần rà soát và vượt qua tất cả những “cửa ải” có nguy cơ gây ô nhiễm, trong các khâu đoạn của sản xuất.

Như vậy, trước cửa khu vườn “quả ngọt” từ hội nhập, các doanh nghiệp ngành nhựa, cũng như nhiều ngành khác, buộc phải lựa chọn tiến lên để nắm lấy cơ hội và hưởng lợi hay tự đào thải mình khỏi cuộc chơi mới. Có những cửa ải cần vượt qua, và doanh nghiệp rất cần một sự chuẩn bị bài bản và chuyên nghiệp.

Nguồn: tapchicongthuong

Zalo Gọi ngay